Sách: " Bạn có đủ yếu đuối để theo Chúa Giêsu"
Yếu đuối không phải là tội lỗi nhưng nó là “con đường hai chiều” để chúng ta chọn lựa. Vượt lên trên yếu đuối bằng Ơn Chúa, bằng lời cầu nguyện, sự nỗ lực, rèn luyện, cố gắng của bản thân thì chúng ta sẽ đạt đến những mục đích, kết quả tốt đẹp. Còn chìm sâu trong yếu đuối, lấy nó làm bình phong để che đậy cho những đam mê, cho sự thiếu cố gắng, ươn hèn, nhụt chí trong tội lỗi thì chúng ta sẽ nhận về mình sự thất bại, đổ vỡ và có khi còn là sự đau khổ, tuyệt vọng. Chúng ta chẳng nên buồn phiền, lo lắng, than trách khi vẫn còn đó trong mình những yếu đuối, bất toàn nhưng là hy vọng, tin tưởng bởi Chúa luôn yêu cả những yếu đuối của chúng ta. Tội lỗi không được làm chúng ta tuyệt vọng. Chỉ cần chúng ta có Chúa, tin tưởng, phó thác và sống dưới sự hướng dẫn của Người thì sự yếu đuối đó sẽ trở thành sức mạnh của chúng ta.
Đơn thường, người ta vẫn tìm cho mình những tiêu chuẩn có sự hội tụ của sự khôn ngoan, sự trổi vượt về khả năng, kiến thức, sức khỏe… chung quy lại là những tố chất tốt. Điều đó cũng không ngoại lệ cho những người sống đời thánh hiến. Họ vẫn đặt câu hỏi cho mình: liệu tôi có đủ sự thánh thiện, đủ khả năng, đủ can đảm, đủ tình yêu để trung thành và trọn vẹn khi bước theo Chúa hay không? Rất nhiều tiêu chuẩn, điều kiện họ đặt ra cho mình nhưng sự yếu đuối là cái có thực bên trong mỗi con người thì ít ai hỏi đến mình có đủ “yếu đuối” để theo Chúa hay không. Tôi chợt nghĩ, yếu đuối thì luôn có “dư” chứ không phải là “đủ” nữa. Mang phận người là chúng ta mang trong mình sự yếu đuối, bất toàn. Làm gì có người nào mạnh miệng để nói rằng tôi không có yếu đuối, ngay cả những vị thánh lừng danh cũng đã không ngần ngại khi nói về những yếu đuối của mình :Thánh Augustinô tự nhận khi nói về thời niên thiếu của mình: “Tôi chỉ ham chơi”; “Tôi đến thành Carthagô, tất cả chung quanh tôi vùng dậy những quay cuồng đam mê ngang trái”. Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô cũng đã nói: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi”. (2Cr 12,10) Nhưng các Ngài đã đi lên từ những yếu đuối, bất toàn kể cả tội lỗi để trở thành những vị thánh của mọi thời đại.
Yếu đuối không phải là tội lỗi nhưng nó là “con đường hai chiều” để chúng ta chọn lựa. Vượt lên trên yếu đuối bằng Ơn Chúa, bằng lời cầu nguyện, sự nỗ lực, rèn luyện, cố gắng của bản thân thì chúng ta sẽ đạt đến những mục đích, kết quả tốt đẹp. Còn chìm sâu trong yếu đuối, lấy nó làm bình phong để che đậy cho những đam mê, cho sự thiếu cố gắng, ươn hèn, nhụt chí trong tội lỗi thì chúng ta sẽ nhận về mình sự thất bại, đổ vỡ và có khi còn là sự đau khổ, tuyệt vọng. Chúng ta chẳng nên buồn phiền, lo lắng, than trách khi vẫn còn đó trong mình những yếu đuối, bất toàn nhưng là hy vọng, tin tưởng bởi Chúa luôn yêu cả những yếu đuối của chúng ta. Tội lỗi không được làm chúng ta tuyệt vọng. Chỉ cần chúng ta có Chúa, tin tưởng, phó thác và sống dưới sự hướng dẫn của Người thì sự yếu đuối đó sẽ trở thành sức mạnh của chúng ta. Hãy để Thiên Chúa vào trong sự yếu đuối của chúng ta. “Chúng ta được sinh ra với hạt giống của sự bất toàn để tìm kiếm sự hoàn thiện. Trái tim của chúng ta, ngay cả khi không biết điều đó, khao khát được gặp gỡ Thiên Chúa để tìm kiếm sự hoàn thiện, và có nhiều khi đi lạc lối. Khi sự bất toàn của chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, thì đời sống ân sủng bắt đầu” – Đức Giáo Hoàng Phanxico
Đành rằng người sống đời thánh hiến không phải lúc nào cũng thánh thiện tinh tuyền, chúng ta vẫn có những yếu đuối và sa ngã, nhưng chính nhờ vậy mà chúng ta càng cảm thấy sức mạnh của Thiên Chúa thật mạnh mẽ đã, đang và sẽ biến đổi cuộc sống chúng ta mỗi ngày, với ý thức như thánh Phaolô “ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (1 Cr 12,9). Chúng ta đang sống giữa một thời đại đầy thách đố và chọn lựa nhưng chúng ta là những người lữ hành trên đường hy vọng. Hoàn cảnh và môi trường không là cản trở để chúng ta tiến bước nhưng là đòn bẩy để chúng ta nhảy lên. Những lúc đứng trước sự khó khăn, lạc lõng, mất hy vọng hãy nhớ rằng Chúa vẫn không ngừng hỏi: “Bạn có đủ yếu đuối để theo Chúa Giêsu”.
La Thứ
Nguồn tin: dongten.net