Khuyến Đọc

Danh sách bài viết
Giới thiệu sách "Nghệ thuật yêu thương"
02/10/2024
Giới thiệu sách "Nghệ thuật yêu thương"
Yêu và được yêu hẳn phải là một trong những khao khát sâu thẳm nhất của con người. Quả thật, ai trong chúng ta cũng mong muốn mình được yêu thương và đón nhận; và rồi chúng ta cũng muốn tỏ bày tình yêu của chúng ta cho người khác. Như thế, tình yêu luôn bao hàm trong nó tương quan trao tặng và lãnh nhận. Nhưng, nếu tình yêu không được bày tỏ và trao tặng đúng cách, nó sẽ khó coi và đôi khi còn trở thành trò lố bịch; còn nếu người lãnh nhận mà vô tâm vô tình vì ngỡ tưởng rằng mình đương nhiên hay xứng đáng được lãnh nhận, thì tình yêu được trao hiến ấy cũng chẳng đem lại giá trị gì trong mối tương quan của hai bên.Tương quan nội tại của tình yêu đòi người ta phải biết cách yêu thương. Nói khác đi là phải có nghệ thuật yêu thương. Khi đứng trước một người đang đau khổ, ta chẳng thể nào nói huyên thuyên, khuyên lơn đủ điều hầu thuyết phục người ấy hiểu điều gì đó về đau khổ họ đang gánh chịu; nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu ta chỉ ở bên họ, tôn trọng họ bằng sự thinh lặng. Thinh lặng nhiều lúc còn có sức mạnh gấp ngàn lần lời nói. Và đó là nghệ thuật. Muốn có được nghệ thuật yêu thương, ngoài sự tinh tế, bén nhạy người ta còn cần cả một trái tim biết rung cảm trước những nhu cầu hay tình trạng của người khác. Để có nghệ thuật yêu thương, người ta cần học biết cách lắng nghe, trao tặng, đón nhận, quảng đại,… và kiên nhẫn.Cuốn sách “Nghệ Thuật Yêu Thương” của tác giả Chiara Lubich được G.B Phạm Văn Vượng chuyển sang Việt ngữ, nói với chúng ta: yêu thương thì cần phải tinh tế, chú tâm, đúng đắn, kiên nhẫn, chịu đau khổ, cầu nguyện, có lòng nhiệt thành, nhân từ… Thế nhưng, yêu thương thực sự, yêu thương đúng nghĩa không phải là chuyện dễ dàng. Do đó, yêu thương cũng cần luyện tập và bắt đầu lại mỗi ngày để chúng ta có thể biết yêu thương hơn. Chúng ta có thể yêu thương thực sự nhờ biết nhìn lên Chúa Giêsu- Đấng đã sống vì yêu và chết vì yêu.Ước mong cuốn sách nhỏ sẽ giúp chúng ta biết cách yêu thương hơn và dám yêu thương nhiều hơn, bởi vì tình yêu làm cho ta người thấy mình cao quý và trở nên cao quý hơn. Chính tình yêu đem lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc đời. Cũng chính tình yêu có sức mạnh biến đổi cuộc đời và phận người, như thông điệp của bài hát Sống Trong Niềm Vui (Linh mục Nguyễn Duy) mà chúng ta rất quen thuộc.Sách do Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình phát hành, hiện được bán tại các Nhà sách Công Giáo trên toàn quốc. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.Công Trình, SJ. 
Giới thiệu sách "Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay"
28/09/2024
Giới thiệu sách "Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay"
Là Kitô hữu, chúng ta ý thức mình là chứng nhân của Chúa Kitô, với sứ mệnh là “muối cho đời” và “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,12-13). Sứ mệnh này có thể được diễn tả rõ nét qua những chọn lựa trong cuộc sống của chúng ta, nhất là những chọn lựa mang tính luân lý.Hiện nay, những khám phá và thành tựu mới trong sinh học, y khoa, công nghệ… mở ra những cơ hội lẫn thách đố mới cho con người trước những lựa chọn, nhất là những chọn lựa luân lý. Những khía cạnh như tế bào gốc, ngừa thai, phá thai, an tử, trợ tử hay tử hình đang được bàn cãi nhiều. Trước vấn nạn ấy, người nói đúng, kẻ nói sai. Các nhà thần học nhiều lúc không tìm được sự đồng thuận với nhau, thậm chí còn đối nghịch với Huấn quyền của Giáo Hội. Những bàn cãi này tuy diễn tả được nỗ lực của nhiều người trong việc tìm kiếm sự thật, song nó để lại trong lòng nhiều người những mối nghi ngại, thậm chí còn hoang mang. Điều ấy hẳn đáng quan ngại!Cuốn sách “Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay” của Linh mục Tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng là một trong những đóng góp hữu ích để soi sáng cho những vấn nạn đang được bàn cãi. Các vấn nạn: Cái chết của bộ não; tế bào gốc; ngừa thai; phá thai; chết êm dịu; và đời sống hôn nhân gia đình được tác giả trình bày, phân tích và phê bình. Trong đó, những thông tin chuyên môn về khoa học được trình bày một cách đơn giản; còn các tư tưởng thần học không chỉ được trình bày, mà còn nhận xét và suy tư. Đó là một nỗ lực rất đáng trân quý của tác giả. Ước mong những nỗ lực của tác giả sẽ khích lệ nhiều người trong việc tìm hiểu các giá trị đích thực của cuộc đời theo Tin Mừng để trở thành chứng nhân của Chúa qua và trong những lựa chọn hằng ngày.Sách do Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình phát hành, hiện được bán tại các Nhà sách Công giáo trên toàn quốc.Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!Trình Phan Sinh, SJ
Giới thiệu sách CHÁNH NIỆM, HỶ LẠC VÀ GIÁC NGỘ
25/09/2024
Giới thiệu sách CHÁNH NIỆM, HỶ LẠC VÀ GIÁC NGỘ
Chánh niệm, Hỷ lạc và Giác ngộ là cuốn sách hướng dẫn hành thiền vô cùng hữu ích và tinh tế, do một nhà sư đầy kinh nghiệm và uyên thâm viết nên. Thiền sư Ajahn Brahm thuộc thế hệ tăng sĩ phương Tây mới. Thầy đã nghiên cứu, thực hành và nắm vững nhiều giáo lý Phật giáo quan trọng và giờ đây, cống hiến những giáo lý ấy cho các thiền giả chân thành khắp thế giới hiện đại.Trong Chánh niệm, Hỷ lạc và Giác ngộ, bạn sẽ tìm thấy một bộ giáo lý kỹ lưỡng tường tận giúp phát triển và đào sâu việc hành thiền, đặc biệt nhằm mục đích nhập định, hay jhāna samādhi, và mở ra những tuệ giác theo sau. Thiền sư Ajahn Brahm mang đến cho chúng ta một sự hiểu biết kỹ lưỡng và tinh tế về cách chuyển hóa những khó khăn ban đầu và hướng tâm tới trạng thái sướng mê ly, hạnh phúc, khinh an và ổn định sâu của định (jhāna). Sau đó, Thầy chuyển sự chú ý tập trung này để soi sáng tính vô ngã, mang lại sự hiểu biết giải thoát.108 câu chuyện trong cuốn sách này của Thiền sư Ajahn Brahm được kể lại một cách cuốn hút và đôi khi thật hài hước, có lúc lại thấm thía. Đây là một cuốn sách đã được định sẵn để đọc đi đọc lại và được trân quý, đọc to cho bạn bè và gia đình cùng nghe. Nó sẽ khiến bạn không thể rời mắt!Cuốn sách Chánh niệm, Hỷ lạc và Giác ngộ - Ajahn Brahm đã có mặt tại Thư Viện Dòng Tên, kính mời quý độc giả tìm đọc và có thể mượn sách nhé!
Xin lỗi Gen Z, đây là lý do tại sao cách ứng xử trên bàn ăn rất quan trọng
05/08/2024
Xin lỗi Gen Z, đây là lý do tại sao cách ứng xử trên bàn ăn rất quan trọng
Một trong những điều được nhắc đi nhắc lại khi ta lớn lên đó là tầm quan trọng của việc ăn uống đúng cách. Từ việc sử dụng muỗng nĩa cho đến việc không được đặt khuỷu tay lên bàn. Tuổi thơ chúng ta thường được nghe lặp đi lặp lại những lời hướng dẫn đó.Tuy nhiên, theo thời gian, những ưu tiên và các thói quen đã thay đổi – đây là điều bình thường nếu bạn nhìn vào cách người ta ăn uống ở mấy thế kỷ trước. Kênh Fox5 đã tường thuật lại việc tập đoàn nhà hàng Ý Prezzo thực hiện một cuộc khảo sát và cho thấy những người được sinh trong khoảng từ năm 1997 đến 2012 cảm thấy như thế nào về cách ứng xử trên bàn ăn[1].Những phát hiệnĐiều thú vị là có đến 77% các bạn Gen Z cảm thấy đặt khuỷu tay trên bàn ăn không còn là vấn đề nữa. Còn về việc đồ dùng muỗng nĩa, chỉ có 40% tin rằng việc cầm dao và nĩa đúng cách là quan trọng.Một số cách ứng xử sai lạc khác trên bàn ăn cũng được đề cập, chẳng hạn như liệu có nên đợi những người khác trước khi bắt đầu ăn hay dùng thử từ dĩa của người khác hay không, 38% người được khảo sát cảm thấy những cách ứng xử thông thường này là không cần thiết.Trên thực tế, không phải chỉ quan niệm của Gen Z mới gây chút sốc như thế. Rõ ràng có đến 38% tất cả những người được hỏi đều cảm thấy cách cư xử trên bàn ăn không thực sự quan trọng trong cuộc sống.Tuy vậy, điều thú vị là gần một nửa những người tham gia cuộc khảo sát khẳng định rằng họ sẽ không hẹn hò với những người có cách cư xử tệ trên bàn ăn.Những người được hỏi cũng thấy không thoải mái lắm với những người sử dụng điện thoại trên bàn ăn – phải thừa nhận rằng đây là điều mà các bậc cha mẹ thuộc thế hệ trước không phải đối mặt!Tầm quan trọng của cách ứng xử trên bàn ănTrong khi ngày nay các hộ gia đình tiêu thụ thức ăn làm sẵn (chỉ cần hâm nóng lại) hoặc đặt đồ ăn nhiều hơn, điều quan trọng là phải hiểu hành vi lịch sự trên bàn ăn đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc giáo dục bất kỳ đứa trẻ nào. Dưới đây là một số lý do “rất Công giáo”:Cách cư xử trên bàn ăn thể hiện lòng biết ơn một cách rõ ràng vì thức ăn và tình thân được ban cho. Trong một xã hội mà dường như thức ăn dư giả, điều quan trọng là con cái chúng ta phải biết ý thức về những gì chúng nhận được. Bằng cách dùng bữa một cách lịch thiệp, chúng ta tôn vinh ân sủng dồi dào của Chúa và chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn về những gì chúng ta có được, đặc biệt là khi còn quá nhiều người thiếu thốn.Dùng bữa cách đúng đắn sẽ nuôi dưỡng cảm thức tương thân tương ái và tính cộng đồng, phản ánh sự hiệp nhất trong thân thể Chúa Kitô. Qua việc trò chuyện và hành vi tôn trọng, chúng ta củng cố mối quan hệ với người khác và tạo ra bầu khí thân thiện của việc thuộc về nhau.Việc thực hành cách cư xử đúng đắn trên bàn ăn thể hiện sự tôn trọng với những người đồng bàn, nhìn nhận phẩm giá của họ xét như là những người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Bằng cách quan tâm đến sự thoải mái và vui vẻ của họ, chúng ta đề cao giá trị Kitô giáo trong việc đối xử với người khác theo cách chúng ta muốn được đối xử. (Và hãy nhớ rằng, rất nhiều người được khảo sát cảm thấy khó chịu vì cách cư xử thiếu đúng đắn trên bàn ăn).Cách cư xử của chúng ta trên bàn ăn là bằng chứng cho các đức tính khiêm tốn, tự chủ và tiết độ mà đức tin Công giáo dạy. Bằng cách biết tự kiềm chế và tránh thái quá, chúng ta nêu gương về các nguyên tắc đạo đức hướng dẫn cuộc sống người môn đệ của Chúa.Cách cư xử trên bàn ăn đóng vai trò truyền tải các giá trị và truyền thống gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bằng cách truyền lại các tiêu chuẩn về cách ứng xử và dùng bữa với nhau trong sự tôn trọng và tình yêu mến, các gia đình củng cố mối tương quan giữa các thành viên và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ bén rễ trong tình yêu.Trong truyền thống Công giáo, hành vi dùng bữa chung có tính biểu tượng sâu sắc vì nó gợi nhớ lại Bữa Tiệc Ly và việc cử hành Thánh Lễ. Khi vào bàn ăn với lòng tôn kính, chúng ta ghi nhận tính thánh thiêng của bữa ăn và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta, cả về mặt tinh thần lẫn biểu tượng.Tác giả: Cerith GardinerNgười dịch: Anh Quân
Giới thiệu sách: "Đạo yêu thương" - Tác giả: Gm.Phêrô Nguyễn Văn Khảm
05/08/2024
Giới thiệu sách: "Đạo yêu thương" - Tác giả: Gm.Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Là người Công giáo, chúng ta đều ý thức bổn phận phải truyền giáo. Tuy nhiên, khi gặp gỡ những người ngoài Công giáo, chúng ta không biết phải bắt đầu từ đâu và phải nói thế nào để giới thiệu Đạo Chúa cho họ. Cuốn sách “ĐẠO YÊU THƯƠNG” do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng thư ký HĐGMVN, biên soạn, nhằm chuẩn bị cho năm “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, giáo xứ và xã hội” (2014 - 2016), theo Thư Chung của HĐGMVN năm 2013.Kính thưa quý vị và các bạn,Là người Công giáo, chúng ta đều ý thức bổn phận phải truyền giáo. Tuy nhiên, khi gặp gỡ những người ngoài Công giáo, chúng ta không biết phải bắt đầu từ đâu và phải nói thế nào để giới thiệu Đạo Chúa cho họ.Trước những băn khoăn ấy, Văn phòng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cùng với Chương trình Chuyên đề Giáo Dục, thuộc Ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn, xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “ĐẠO YÊU THƯƠNG” do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng thư ký HĐGMVN, biên soạn, nhằm chuẩn bị cho năm “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, giáo xứ và xã hội” (2014 - 2016), theo Thư Chung của HĐGMVN năm 2013. Đồng thời, chuẩn bị cho ngày Khánh Nhật Truyền Giáo (19.10.2014).Cuốn sách gồm 10 bài viết ngắn gọn và dễ hiểu, giới thiệu rất tổng quát về Chúa Giêsu, về Giáo hội và đời sống người Công giáo, được minh họa bằng những hình ảnh đẹp mắt và sinh động.Cuốn sách có thể dùng làm hành trang truyền giáo, giúp bạn đọc hiểu rõ những điều cốt yếu trong Đạo, những gì cần giới thiệu khi loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, cuốn sách có thể làm quà tặng đầy ý nghĩa cho những anh chị em chưa biết Chúa.Ban Mục vụ Gia Đình, TGP. TPHCMNguồn tin: www.chuongtrinhchuyende.net 
Giới thiệu sách: "Nơi chim trời làm tổ" - Ấn phẩm bởi và cho bạn trẻ dâng hiến
05/08/2024
Giới thiệu sách: "Nơi chim trời làm tổ" - Ấn phẩm bởi và cho bạn trẻ dâng hiến
“Nơi chim trời làm tổ" một quyển sách sáng tạo được thực hiện bởi những người trẻ đang bước đi trên hành trình dâng hiến và dành tặng đặc biệt đến các bạn trẻ với thao thức dấn thân theo Thầy Giêsu. Lấy cảm hứng từ đoạn Tin Mừng theo thánh Máccô: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,32), ấn phẩm tập hợp nhiều mẩu chuyện chân thực về những bước đi chập chững trên hành trình theo đuổi ơn gọi linh mục của các chàng trai trẻ.Nơi chim trời làm tổ | Creative Book“Nơi chim trời làm tổ" một quyển sách sáng tạo được thực hiện bởi những người trẻ đang bước đi trên hành trình dâng hiến và dành tặng đặc biệt đến các bạn trẻ với thao thức dấn thân theo Thầy Giêsu. Lấy cảm hứng từ đoạn Tin Mừng theo thánh Máccô: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,32), ấn phẩm tập hợp nhiều mẩu chuyện chân thực về những bước đi chập chững trên hành trình theo đuổi ơn gọi linh mục của các chàng trai trẻ.Họ là những người căng tràn tuổi xuân đã chọn lựa một lối đi riêng và thầm lặng giữa lòng thành phố năng động, hối hả, chọn lựa con đường dâng hiến cho Thiên Chúa và tha nhân giữa muôn vàn ước mơ và hứa hẹn thành công trong đời sống.noi chimẤn phẩm gồm 3 phần: Bình minh, Bão Giông và Bừng Sáng khắc hoạ ​​một  hành trình đong đầy niềm vui nhưng cũng không thiếu những ưu tư trăn trở. Chính vì thế, hiện lên trong tập sách này ngoài những dòng thẳng tắp của chuỗi ngày hạnh phúc bất tận, còn có đó những nét chữ không ngay ngắn của con tim sai nhịp và những hàng nghiêng đổ của tâm hồn tan nát. Dẫu thế, như Mẹ Têrêsa Calcutta lặp lại trong chính kinh nghiệm của cuộc đời Mẹ: “Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong”, những chữ chưa tròn, những dòng không ngay ấy sẽ là chứng tích nói lên sự kiên nhẫn và tình thương vô bờ của Thầy Chí Thánh.Từ đây lý tưởng bước theo Thầy Giêsu không chỉ hệ tại ở việc đợi chờ hay tìm kiếm tương lai trong hên xui may rủi nữa, nhưng là lối sống mà cậu lựa chọn tại đây và ngay lúc này. Khi cậu sống trọn vẹn giây phút hiện tại với một ý thức đáp trả lời mời gọi của Chúa là cậu trọn vẹn sống ơn gọi của mình. Cậu không còn phải “co cụm lại với chính mình để sống với quá khứ oai hùng hoặc bi ai, rồi mơ tưởng tới tương lai vĩ đại hoặc lo sợ đau thương, mà quên đi thực tại đang diễn ra hàng ngày. Như thế, chẳng phải cậu đã tạo cho mình một màu đen tròn to cản đường tiến về phía trước sao?” - Trích "Ước mơ, mơ mộng"Nơi chim trời làm tổ là ấn phẩm được các anh em chủng sinh dự bị - Chủng viện Dự bị Thánh Phaolô Lộc - TGP. Saigon thực hiện. Với sự hỗ trợ kỹ thuật và đồ hoạ từ trang sáng tạo Thánh Giuse - JOS Creaitve và hỗ trợ in ấn từ Nhà sách Đức Bà Hoà Bình.Ấn phẩm gồm 105 trang (17,5 x 24cm) được in màu toàn bộ trên giấy ford C120mgs.Thiết kế trẻ trung, mới mẻ với những hình ảnh minh hoạ sống động và đầy ý nghĩa.“Từ đây tôi có thể nhỏ nhẹ và chậm rãi đón nhận toàn vẹn con người mình, chẳng phải bắt ép bản thân trở thành một bản sao của bất kỳ ai khác. Tôi học cách buông bỏ, nhẹ nhàng hơn, bớt kiêu căng, khoan dung hơn với chính mình và cảm thông hơn với những người xung quanh. Từng chút một tôi gỡ xuống gánh nặng, u phiền, những cát bụi đường xa bao lâu nay phủ lấp lên tâm hồn và để  Giêsu sưởi ấm với những tia nắng của bình minh trong trẻo.” - Trích "Tìm chính mình, tìm tự do”Chúng tôi hy vọng ấn phẩm này sẽ truyền tải được những thông điệp ý nghĩa về lý tưởng sống dấn thân và đưa đến một góc nhìn mới mẻ, đa chiều về những chuyển động nội tâm của những người trẻ bắt đầu hành trình bước theo Chúa. Sách có bán tại các nhà sách Công Giáo.- Giá phát hành phi lợi nhuận: 45.000đ- Mua online tại: https://forms.gle/T2FPtnri7LLtvZwYA 
Giới thiệu sách: "YOUCAT"
05/08/2024
Giới thiệu sách: "YOUCAT"
Sách Giáo lý cho người trẻ Youcat đã được phát hành vào ngày giới trẻ thế giới ở Madrid, Tây Ban Nha năm 2011. Mỗi người trẻ đăng ký tham dự ngày đó đều được tặng một ba lô trong đó có cuốn Youcat. Tôi được biết Youcat nhờ bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tháng 5&6/2011. Đức Bênêđictô XVI đã có thư giới thiệu Sách Youcat cho mọi người đặc biệt là giới trẻ. Tôi vốn thích giáo lý nên rất muốn có để đọc. Bởi vì chính Đức Bênêđictô XVI đã dày công soạn Sách Giáo Lý Công Giáo (1992), cũng chính ngài lo soạn cuốn Toát yếu Sách GLCG (2005), thế rồi năm 2011, ngài lại còn cho soạn và đích thân giới thiệu cuốn Youcat, chứng tỏ Youcat phải có gì độc đáo, bất thường và cần thiết hơn hai cuốn trước.Youcat VaticanSách Giáo lý cho người trẻ Youcat đã được phát hành vào ngày giới trẻ thế giới ở Madrid, Tây Ban Nha năm 2011. Mỗi người trẻ đăng ký tham dự ngày đó đều được tặng một ba lô trong đó có cuốn Youcat. Tôi được biết Youcat nhờ bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tháng 5&6/2011. Đức Bênêđictô XVI đã có thư giới thiệu Sách Youcat cho mọi người đặc biệt là giới trẻ. Tôi vốn thích giáo lý nên rất muốn có để đọc. Bởi vì chính Đức Bênêđictô XVI đã dày công soạn Sách Giáo Lý Công Giáo (1992), cũng chính ngài lo soạn cuốn Toát yếu Sách GLCG (2005), thế rồi năm 2011, ngài lại còn cho soạn và đích thân giới thiệu cuốn Youcat, chứng tỏ Youcat phải có gì độc đáo, bất thường và cần thiết hơn hai cuốn trước.     Đức Bênêđictô XVI cho biết là Youcat được soạn và thực hiện bằng một ngôn ngữ và một trình bày được xem là thích hợp với người trẻ thời hiện đại. Do đó, có sự tham gia của hơn 50 bạn trẻ để soạn thảo cùng với các giáo sĩ, một sự kiện mà từ trước đến giờ chưa hề có. Youcat muốn giới thiệu một sách đơn giản rõ ràng và đầy đủ với người trẻ, di sản đức tin mà Kitô hữu không ngừng tuyên xưng, với một ngôn ngữ giản dị, sáng sủa, hợp thời đại, giúp người trẻ dễ tiếp cận. Đức Bênêđictô XVI nhắn nhủ “các bạn trẻ cần hiểu biết lòng tin của các bạn rõ ràng như một chuyên viên tin học hiểu biết hệ thống khai thácmột máy vi tính… như một nhạc sĩ làm chủ được bản nhạc của mình”.Youcat có 527 câu mà có 815 chứng từ để minh họa cho cập nhật với giới trẻ và thế giới hiện đại, thế mà loại bỏ 815 chứng từ thì hỏi rằng: còn gì nữa đâu? Youcat còn có gì “khác thường” hơn Sách Toát yếu GLCG chăng? Và Đức Bênêđictô XVI còn yêu cầu các bạn trẻ phải: nghiên cứu giáo lý với niềm đam mê và kiên trì, nghiên cứu riêng trong phòng, trao đổi với các bạn khác trong nhóm, hoặc trên mạng. Tôi thấy các bạn trẻ Việt  Nam  rất cần được học hỏi Youcat đầy đủ và nghiêm chỉnh.Bạn đọc mới có phần I và phần II, phần III còn có nhiều vấn đề mới mẻ độc đáo. Gọi là mới mẻ nhưng thực ra đã cũ như trái đất rồi, đó là các vấn đề về giới tính, tính dục, tình dục, tình yêu, hôn nhân, sinh sản,...nhưng trước đây, nhất là tại Á Đông thường bị coi là cấm kỵ, hoặc rất ngại nói đến. Nay Youcat mạnh dạn theo hướng dẫn của Công Đồng Vatican II để giáo dục giới trẻ biết giá trị của chúng và biết làm chủ chúng để đạt tới tình yêu đích thực. Đồng thời cũng có những vấn đề mới mẻ khác mà ngày nay thế giới đang phải đối phó. Đó là các vấn đề xã hội thời hiện đại: nhân quyền, công ích, công bằng, liên đới, toàn cầu hóa, môi trường môi sinh...  chúng biến thành các vấn đề có tính toàn cầu, liên quan đến hết mọi người và mọi nơi.  Rồi sang phần IV cũng là phần được soạn thảo một cách đặc biệt độc đáo. Nhiều sách giáo lý trình bày cầu nguyện trước phần Phụng vụ và Bí Tích, hoặc trong điều răn I, và coi cầu nguyện thuộc phần cử hành đức tin: như Sách Giáo lý của HĐGM Phi Luật Tân coi cầu nguyện là phần kết(epilogue) của ba phần kia. Youcat đã theo SGLHTCG để coi phần IV cũng là thành phần quan trọng như ba phần trên, tất cả bốn phần làm thành một tổng hợp hữu cơ, nghĩa là có quan hệ với nhau không thể tách rời nhau để tồn tại hay hoạt động, giống như một cơ quan (hữu cơ). Nói cách khác, cầu nguyện như là mẫu số chung của tuyên xưng, cử hành và sống đức tin. Cầu nguyện là sự sống của con người mới được làm con Chúa, và Youcat nói: đời sống ta phải biến thành cầu nguyện, và kinh nguyện ta phải trở nên sự sống của ta, nghĩa là ta cầu nguyện sao thì phải sống như vậy, và ta sống là phải sống như mình cầu nguyện (câu 510). Để giúp ta thực hành như vậy Chúa Giêsu đã dạy ta Kinh Lạy Cha, là kinh Người đã sống và đã cầu nguyện, ta gọi là Kinh nguyện của Chúa.Và Hội thánh đã chọn Kinh Lạy Cha như lời kinh của Hội Thánh, được dùng trong Phụng Vụ và Bí Tích, và gọi “Kinh Lạy Cha là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (SGLHTLG 2761). Nếu bạn đọc được hiểu biết mỗi phần trong bốn phần của Youcat, như được trình bày trong dẫn nhập, độc giả không thể nào không công nhận Youcat là Sách Giáo lý hiện đại nhất của Hội Thánh Công Giáo. Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng 
Sách: " Bạn có đủ yếu đuối để theo Chúa Giêsu"
05/08/2024
Sách: " Bạn có đủ yếu đuối để theo Chúa Giêsu"
Yếu đuối không phải là tội lỗi nhưng nó là “con đường hai chiều” để chúng ta chọn lựa. Vượt lên trên yếu đuối bằng Ơn Chúa, bằng lời cầu nguyện, sự nỗ lực, rèn luyện, cố gắng của bản thân thì chúng ta sẽ đạt đến những mục đích, kết quả tốt đẹp. Còn chìm sâu trong yếu đuối, lấy nó làm bình phong để che đậy cho những đam mê, cho sự thiếu cố gắng, ươn hèn, nhụt chí trong tội lỗi thì chúng ta sẽ nhận về mình sự thất bại, đổ vỡ và có khi còn là sự đau khổ, tuyệt vọng. Chúng ta chẳng nên buồn phiền, lo lắng, than trách khi vẫn còn đó trong mình những yếu đuối, bất toàn nhưng là hy vọng, tin tưởng bởi Chúa luôn yêu cả những yếu đuối của chúng ta. Tội lỗi không được làm chúng ta tuyệt vọng. Chỉ cần chúng ta có Chúa, tin tưởng, phó thác và sống dưới sự hướng dẫn của Người thì sự yếu đuối đó sẽ trở thành sức mạnh của chúng ta.         Đơn thường, người ta vẫn tìm cho mình những tiêu chuẩn có sự hội tụ của sự khôn ngoan, sự trổi vượt về khả năng, kiến thức, sức khỏe… chung quy lại là những tố chất tốt. Điều đó cũng không ngoại lệ cho những người sống đời thánh hiến. Họ vẫn đặt câu hỏi cho mình: liệu tôi có đủ sự thánh thiện, đủ khả năng, đủ can đảm, đủ tình yêu để trung thành và trọn vẹn khi bước theo Chúa hay không? Rất nhiều tiêu chuẩn, điều kiện họ đặt ra cho mình nhưng sự yếu đuối là cái có thực bên trong mỗi con người thì ít ai hỏi đến mình có đủ “yếu đuối” để theo Chúa hay không. Tôi chợt nghĩ, yếu đuối thì luôn có “dư” chứ không phải là “đủ” nữa. Mang phận người là chúng ta mang trong mình sự yếu đuối, bất toàn. Làm gì có người nào mạnh miệng để nói rằng tôi không có yếu đuối, ngay cả những vị thánh lừng danh cũng đã không ngần ngại khi nói về những yếu đuối của mình :Thánh Augustinô tự nhận khi nói về thời niên thiếu của mình: “Tôi chỉ ham chơi”; “Tôi đến thành Carthagô, tất cả chung quanh tôi vùng dậy những quay cuồng đam mê ngang trái”. Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô cũng đã nói: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi”. (2Cr 12,10) Nhưng các Ngài đã đi lên từ những yếu đuối, bất toàn kể cả tội lỗi để trở thành những vị thánh của mọi thời đại.         Yếu đuối không phải là tội lỗi nhưng nó là “con đường hai chiều” để chúng ta chọn lựa. Vượt lên trên yếu đuối bằng Ơn Chúa, bằng lời cầu nguyện, sự nỗ lực, rèn luyện, cố gắng của bản thân thì chúng ta sẽ đạt đến những mục đích, kết quả tốt đẹp. Còn chìm sâu trong yếu đuối, lấy nó làm bình phong để che đậy cho những đam mê, cho sự thiếu cố gắng, ươn hèn, nhụt chí trong tội lỗi thì chúng ta sẽ nhận về mình sự thất bại, đổ vỡ và có khi còn là sự đau khổ, tuyệt vọng. Chúng ta chẳng nên buồn phiền, lo lắng, than trách khi vẫn còn đó trong mình những yếu đuối, bất toàn nhưng là hy vọng, tin tưởng bởi Chúa luôn yêu cả những yếu đuối của chúng ta. Tội lỗi không được làm chúng ta tuyệt vọng. Chỉ cần chúng ta có Chúa, tin tưởng, phó thác và sống dưới sự hướng dẫn của Người thì sự yếu đuối đó sẽ trở thành sức mạnh của chúng ta. Hãy để Thiên Chúa vào trong sự yếu đuối của chúng ta. “Chúng ta được sinh ra với hạt giống của sự bất toàn để tìm kiếm sự hoàn thiện. Trái tim của chúng ta, ngay cả khi không biết điều đó, khao khát được gặp gỡ Thiên Chúa để tìm kiếm sự hoàn thiện, và có nhiều khi đi lạc lối. Khi sự bất toàn của chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, thì đời sống ân sủng bắt đầu” – Đức Giáo Hoàng Phanxico         Đành rằng người sống đời thánh hiến không phải lúc nào cũng thánh thiện tinh tuyền, chúng ta vẫn có những yếu đuối và sa ngã, nhưng chính nhờ vậy mà chúng ta càng cảm thấy sức mạnh của Thiên Chúa thật mạnh mẽ đã, đang và sẽ biến đổi cuộc sống chúng ta mỗi ngày, với ý thức như thánh Phaolô “ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (1 Cr 12,9). Chúng ta đang sống giữa một thời đại đầy thách đố và chọn lựa nhưng chúng ta là những người lữ hành trên đường hy vọng. Hoàn cảnh và môi trường không là cản trở để chúng ta tiến bước nhưng là đòn bẩy để chúng ta nhảy lên. Những lúc đứng trước sự khó khăn, lạc lõng, mất hy vọng hãy nhớ rằng Chúa vẫn  không ngừng hỏi: “Bạn có đủ yếu đuối để theo Chúa Giêsu”.                                                                   La ThứNguồn tin: dongten.net
Sách: "Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay"
05/08/2024
Sách: "Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay"
Giáo Hội luôn vận dụng lý trí để đối thoại với con người thời đại. Lý trí ấy được ánh sáng đức tin chiếu dọi, và do đó là một “lý trí mở rộng”. Hợp lý mà không duy lý là phương cách tư duy mà con người thời đại của chúng ta rất cần.Tôi đã đọc từ đầu cho đến cuối quyển sách rất hay : Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, bản dịch việt ngữ tác phẩm Einfuhrung in das Christentum của Đức Bênêđictô XVI, khi còn là giáo sư Đại Học Tubingen. Thú thật là tôi say mê về nội dung quyển sách cũng như về cách dịch thuật, rất xuôi chảy mà vẫn trung thành và diễn tả đầy đủ ý nghĩa của bản văn.Quyển sách này, tôi đã đọc hai lần lúc còn là sinh viên thần học ở Roma, bấy giờ là bản dịch tiếng Pháp La foi chrétienne hier et aujourd’hui. Gần đây tôi có cơ hội đọc bản dịch tiếng Anh Introduction to Christianity. Theo nhận xét của tôi, bản dịch tiếng Việt mà quí độc giả có trong tay không hề thua kém.Nội dung quyển sách là một nỗ lực quảng diễn Đức tin tông truyền trong Kinh Tin Kính Các Tông đồ sao cho phù hợp với thế giới hôm nay. Tác giả đã làm công việc này chính là nhà thần học Joseph Ratzinger, bấy giờ còn rất trẻ, khoảng hơn 40 tuổi, nhưng đã là một giáo sư nổi tiếng và rất vững vàng về nhiều mặt, đặc biệt trên bình diện tư duy triết học. Con người này đã không ngừng để cho đức tin công giáo của chính mình đối thoại với các trào lưu tư tưởng đương đại.Trong cuộc đối thoại rất hữu ích đó, tác giả cho thấy hướng đi của tư tưởng kitô giáo là một hướng đi rất rõ ràng và chắc chắn : lựa chọn phạm trù lógos (lời, lẽ, lý), lý tính của tư duy triết học thay vì chọn phạm trù mýthos (huyền thoại) của các tôn giáo thời bấy giờ. Sự lựa chọn phạm trù “logos” là ý tưởng cốt lõi trải dài từ đầu đến cuối những phân tích tư duy của thần học gia và triết gia Ratzinger. Ý tưởng cốt lõi trên giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt hầu hết các tác phẩm thần học của Ratzinger, thậm chí kéo dài tới ngày hôm nay. Sự đối thoại giữa đức tin và lý trí luôn là điều nòng cốt trong tư duy thần học của J. Ratzinger, thậm chí trong cả đường lối mục vụ của Đức Bênêđictô XVI, rất rõ ràng trong cả ba thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, Được Cứu rỗi nhờ Hy Vọng, Bác Ái trong Chân Lý.Giáo Hội luôn vận dụng lý trí để đối thoại với con người thời đại. Lý trí ấy được ánh sáng đức tin chiếu dọi, và do đó là một “lý trí mở rộng”. Hợp lý mà không duy lý là phương cách tư duy mà con người thời đại của chúng ta rất cần.Tác phẩm có hơi khó đối với những ai chưa quen tập tư duy và chưa quen đọc sách thần học, nhưng rất ích lợi cho những ai đang học triết học và thần học, cho những linh mục, tu sĩ, giáo dân trí thức muốn có một chiều sâu tri thức về đức tin. Sách khó đọc, không phải vì dịch giả cố ý làm cho khó, cũng không phải vì dịch chưa thoát ý, nhưng vì nội dung đòi hỏi phải suy tư và động não. Nhưng sách sẽ nâng trình độ người đọc lên một bậc, sau khi người ấy cố gắng đọc và suy nghĩ. Sách đã được viết cách đây hơn 40 năm, nhưng nội dung còn rất mới mẻ và sinh động. Phần kitô-học khá phong phú, được “nối dài” bởi tác phẩm mới nhất của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI : Giêsu thành Nazareth.Giấy phép dịch và ấn hành ngày 16.7.2009 của tổ hợp nhà xuất bản Random HouseNguyên bản tiếng Đức: Einfuhrung in das ChristentumBản dịch tiếng Anh: Introduction to ChristianityTác giả: Joseph RatzingerDịch giả: LM Nguyễn Quốc Lâm & Phạm Hồng LamNguồn tin: www.vanthoconggiao.net  
"SỰ SỐNG VÀ QUYỀN BẤT KHẢ XÂM PHẠM: Nền tảng luân lý cho xã hội"
05/08/2024
"SỰ SỐNG VÀ QUYỀN BẤT KHẢ XÂM PHẠM: Nền tảng luân lý cho xã hội"
Chúng ta đang chứng kiến những ngày đầy biến động xã hội của phong trào Black Lives Matter. Những biến động này nói lên một thực trạng của xã hội. Đó là nhiễu loạn hệ thống các giá trị. Trước những biến chuyển quá khốc liệt của xã hội, con người bị cuốn phăng đi trong cơn đại hồng thuỷ. U u minh minh. Không có thời giờ phân định. Và không còn biết đâu là giá trị thực sự.Những chuẩn mực bị bẻ gẫy. Dường như chỉ còn một chuẩn mực duy nhất là lợi ích cho bản thân. Điều gì có lợi cho tôi là tốt.LỜI GIỚI THIỆUcủa Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt  Chúng ta đang chứng kiến những ngày đầy biến động xã hội của phong trào Black Lives Matter. Những biến động này nói lên một thực trạng của xã hội. Đó là nhiễu loạn hệ thống các giá trị.Trước những biến chuyển quá khốc liệt của xã hội, con người bị cuốn phăng đi trong cơn đại hồng thuỷ. U u minh minh. Không có thời giờ phân định. Và không còn biết đâu là giá trị thực sự.Những chuẩn mực bị bẻ gẫy. Dường như chỉ còn một chuẩn mực duy nhất là lợi ích cho bản thân. Điều gì có lợi cho tôi là tốt.Đối với những chọn lựa vật chất chọn lựa chủ lợi đã gây ra nhiều vấn đề. Nhưng khi chủ lợi trở thành chuẩn mực cho con người và trên con người, thì đó là vấn đề nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng tới sự sống và phẩm giá của chính mình và của tha nhân.Từ mấy thập kỷ nay các vấn đề phá thai, an tử, trợ tử đã gây nên bao tranh cãi. Những khẩu hiệu như “Pro Life” và “Pro Choice” [1] khiến nhiều người mất phương hướng trong việc chọn lựa các giá trị.Giữa cơn nhiễu loạn khiến nhiều người mất phương hướng ấy, quyển SỰ SỐNG VÀ QUYỀN BẤT KHẢ XÂM PHẠM: NỀN TẢNG LUÂN LÝ CHO XÃ HỘI của cha Phê–rô Trần Mạnh Hùng, STD, ra đời như một ánh sáng chiếu vào đêm tối. Tách bạch nhập nhằng. Chỉ rõ đúng sai.Từ nhiều năm, cha Phê–rô Trần Mạnh Hùng đã trở thành một giáo sư thần học luân lý học có uy tín của nhiều chủng viện và đại học trên thế giới. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về những vấn đề đạo đức sinh học của thời đại.Quyển sách Sự Sống và Quyền Bất Khả Xâm Phạm: Nền tảng Luân lý cho Xã hội thực sự khiến ta an tâm. Nghiên cứu của ngài dựa trên những chứng minh khoa học mới nhất. Lập luận suy tư thần học của ngài dựa trên những nền tảng vững chắc nhất. Dưới ngòi bút của ngài, tất cả trở nên minh bạch rõ ràng. Giúp bảo vệ giáo lý chân chính. Hướng dẫn suy tư và chọn lựa đúng theo những nguyên lý nền tảng của Tin mừng và Giáo luật.Sự sống là quà tặng quí nhất của Thiên Chúa ban tặng con người. Con người là quí trọng nhất trong vũ trụ. Vì thế bảo vệ sự sống của con người chính là nền tảng xây dựng xã hội vững bền.Quyển sách thực sự là một quà tặng cho tất cả mọi người giữa cơn cuồng phong đang cuốn đi những giá trị nền tảng. Quyển sách càng hữu ích hơn cho những người mà công việc phải giải quyết các vấn đề liên quan đến sự sống của con người. Và quyển sách là một người bạn đường không thể thiếu cho những ai có trách nhiệm hướng dẫn lương tâm con người.Vì thế tôi trân trọng giới thiệu quyển SỰ SỐNG VÀ QUYỀN BẤT KHẢ XÂM PHẠM: NỀN TẢNG LUÂN LÝ CHO XÃ HỘI. Tôi tin rằng quyển sách sẽ được nồng nhiệt đón nhận. Và sẽ đem lại ích lợi cho mọi người.Châu Sơn, ngày lễ thánh Biển Đức 2020Giuse Ngô Quang KiệtNguyên TGM Hà Nội 
Gương Chúa Giê-su – cuốn sách thiêng liêng kinh điển trong ngôn ngữ ngày nay.
05/08/2024
Gương Chúa Giê-su – cuốn sách thiêng liêng kinh điển trong ngôn ngữ ngày nay.
“Tôi thiết nghĩ cả thế giới sẽ không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” Câu này có vẻ quen thuộc với các bạn vì nằm trong phần kết thúc Tin Mừng Gio-an, đoạn thánh nhân kể lại rằng ngài không thể viết lại tất cả những việc Chúa Giê-su đã làm. Điều này cũng đúng với các sách khác viết về Chúa Giêsu. Chẳng thư viện nào trên thế giới có thể chứa tất cả các sách, từ phi hư cấu cho đến hư cấu, về cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, còn chưa tính đến các môn đệ và những gì họ đã và đang viết cho đến ngày nay. Những cuốn sách mới đang được viết thường xuyên nhằm cố gắng một lần nữa giải thích, giảng dạy và trả lời chi tiết Chúa Giêsu là ai, Ngài dạy chúng ta điều gì cũng như điều đó tác động đến chúng ta dưới tư cách cá nhân và toàn thể xã hội như thế nào. Quả như một câu ngạn ngữ quen thuộc nói rằng: “Thời gian thì ít mà sách thì quá nhiều”, thậm chí không đủ kệ để chứa. Nhưng liệu tất cả các sách viết về Chúa Giêsu có đáng thời gian của chúng ta để không? Chắc chắn là không. Do đó, đức tin của chúng ta thật may mắn khi có những cuốn sách thiêng liêng để dựa vào như những tác phẩm kinh điển. Có nhiều cuốn sách đã vượt qua thử thách của thời gian, được làm sáng tỏ nhiều lần bởi các thế hệ triết gia, thần học gia cũng như các học giả Công giáo uyên bác bởi sức đáng tin cậy trong những lời dạy của sách. Một trong những kho tàng đó là sách Gương Chúa Giê-su của chân phước Thomas à Kempis. (Giáo hội đã phong chân phước cho thầy, ngày kính là ngày 25 tháng 8.) (Chú thích của người dịch thêm vào). Trong nhiều năm, tôi đã nhiều lần đọc từng đoạn mà chưa bao giờ đọc hết cuốn sách. Một phần là do tôi, nhưng cũng có thể là do thâm niên của cuốn sách - hơn 600 năm tuổi. Từ độ dài, phong cách viết, hình thức và thậm chí cả ngôn ngữ với tôi quả là một thách đố. Thậm chí cho tới hiện tại.   Nhà xuất bản TAN Classics đã mang đến cho chúng ta một hình thức mới để khám phá chân lý trong kho báu này. Được biên tập từ bản gốc tiếng Latin bởi Right Giám mục Richard Challoner, trang đề từ của ấn bản này cho chúng ta biết: “Sau mỗi chương có thêm những suy tư thực tế và suy niệm”. Nói cách khác, chúng ta có 114 chương ( với dung lượng một trang rưỡi) các bài viết của Kempis tiếp đến là một đoạn giải thích hoặc làm rõ chi tiết được đi kèm với một lời cầu nguyện tuyệt vời.Nhà xuất bản TAN đã thực hiện một công việc tuyệt vời khi chia nhỏ Gương Chúa Giê-su thành các đoạn bao gồm những bài đọc ngắn cùng với lời cầu nguyện gửi bạn lên đường. Lúc đầu, tôi thử đọc từ đầu đến cuối như một cuốn sách điển hình, nhưng nhận ra rằng cách đó không giúp chúng ta kín múc được hiệu quả thiêng liêng. Việc đọc từng chương một vừa dễ làm và mỗi chương lẻ cũng đủ làm thỏa lấp tâm hồn bạn. Tôi đã đọc cuốn sách này hơn một tháng nay, đọc ba hoặc bốn lần mỗi tuần, ghi lại những gì đánh động tâm hồn tôi trong nhật ký thiêng liêng của mình và để chân lý thấm nhuần tâm hồn tôi trước khi chuyển sang phần tiếp theo.Ngoài ra còn có hai mục lục, một với tựa đề “Danh mục các bài: phù hợp với các biến cố của cuộc sống và khao khát thiêng liêng của các tín hữu” hướng chúng ta cách cụ thể đến các chủ đề như “ Để đạt được bình an nội tâm” hay “Dành cho những người được ban cho nói quá nhiều.” Có một mục lục về những lời cầu nguyện bao gồm “Xin ơn kiên nhẫn” và “Xin được hạnh phúc Nước Trời”. Đó là những tài liệu suy niệm hữu ích theo tâm trạng hay thử thách, khó khăn cụ thể mà bạn đang đối mặt và cần tới lời khuyên hoặc răn dạy để trở nên hoàn thiện hơn.Có một điều thú vị là có hai phần tĩnh tâm dành cho việc Tôn sùng Thánh Thể: một là tuần ba ngày trước khi rước lễ, hai là tuần sáu ngày sau khi Rước lễ. Những khóa tĩnh tâm này tập hợp các phần thích hợp của cuốn sách lại với nhau để giúp bạn tập trung vào món quà Thánh Thể. Với những ai may mắn có thể tham dự Thánh lễ hàng ngày một cách dễ dàng, tôi cũng không chắc phần này có cần thiết hay không, nhưng tôi thấy rất cảm kích vì mặc dù chân phước Thomas à Kempis cũng như những độc giả đầu tiên của ngài không thể rước lễ hàng ngày, chúng ta lại có thể. Cuối cùng, tôi rất biết ơn vì đã tìm được bản dịch giúp tôi có thể tiếp cận được tác phẩm thiêng liêng kinh điển này.Có nhiều nguồn đáng tin cậy giúp soi sáng đức tin của chúng ta bao gồm các tài nguyên trực tuyến hiện đại như: trang web, blog, YouTube, v.v. Tuy nhiên, cũng thật tuyệt vời khi được tiếp cận với những kiệt tác đã góp phần hình thành nên nhiều thế hệ thánh nhân trải dài qua nhiều thế kỷ. Trong khi nhiều người có thể coi những cuốn sách như vậy không còn phù hợp với thế giới hiện đại phát triển nhanh chóng của chúng ta, Nhà xuất bản TAN đã thành công khi chắt lọc kho báu này thành nhiều phần ngắn, nhanh, dễ đọc và sẽ đọng lại trong bạn thật lâu sâu bền và cùng với nỗ lực bản thân, hỗ trợ bạn để bắt chước gương Chúa Giê-su.Để sỡ hữu sách thiêng liêng “Gương Chúa Giê-su: Cuốn sách thiêng liêng kinh điển trong ngôn ngữ ngày nay” liên hệ nhà sách Công giáo địa phương hoặc đặt hàng trực tuyến từ Amazon.com hoặc nhà xuất bản TAN Books.Lưu ý từ Nhà xuất bản:The Commentaries (Bình luận) là một chuỗi podcast của Nxb TAN giúp bạn học cách đọc và hiểu các tác phẩm Công giáo vĩ đại nhất trong lịch sử, từ các học giả Công giáo vĩ đại nhất hiện nay. Trong mỗi loạt bài The Commentaries (Bình luận), người dẫn chương trình chuyên gia sẽ là người hướng dẫn cá nhân bạn không chỉ đọc mà còn sống theo cuốn sách, rọi chiếu ánh sáng của những chân lý vĩnh cửu vào bóng tối của những thử thách và đau khổ hiện đại của chúng ta. Các phần trong tương lai của chuỗi podcast sẽ đi sâu vào các tác phẩm Lâu đài Nội tâm của thánh Tê-rê-sa Avila, Tự thuật của Thánh Augustinô, Đối thoại của Thánh Catherine thành Siena, và nhiều tác phẩm khác.  Để tải xuống bản PDF Đồng hành kinh điển miễn phí và để biết thông tin cập nhật về các mùa mới, các học giả chuyên môn và các ưu đãi độc quyền dành cho thính giả của The Commentaries, hãy đăng ký tại TANCommentaries.com. Và để biết thêm những phương cách tuyệt vời để đào sâu đức tin của bạn, hãy xem tất cả các tài nguyên thiêng liêng có sẵn tại TANBooks.com và sử dụng Mã phiếu giảm giá COM25 để được giảm giá 25% cho đơn hàng tiếp theo.Dịch: Đình SửuNguồn: www.catholicmom.com​
Ngẫm sách “nhà giả kim”, nghĩ về hành trình đời tu
05/08/2024
Ngẫm sách “nhà giả kim”, nghĩ về hành trình đời tu
Trong bài hát “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại”, nhạc sĩ Đức Huy đã viết:“ Tìm một con đường, tìm một lối đi. Ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi”. Tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất trong đời người, là độ tuổi để tìm kiếm và thực hiện lý tưởng cuộc đời. Song, đây cũng là độ tuổi mà ta lại luôn có những “vấn nghi” trên hành trình thực hiện ước mơ của mình; liệu chọn lựa của ta có đúng hay không? Nhân vật Santiago trong cuốn sách “Nhà Giả Kim” cũng có “nhiều vấn nghi” như vậy trên hành trình theo đuổi ước mơ. Cậu đã phân vân giữa các chọn lựa và cuối cùng đã quyết định nghe theo con tim mình mách bảo, là trở thành nhà du mục và đi tìm kho tàng đời mình. Qua câu chuyện về chàng Santiago, ta sẽ cùng phản tỉnh hành trình đời tu của mình.Hãy sống cuộc sống của mìnhCha mẹ Santiago mong cậu sẽ trở thành linh mục; được như thế thì một gia đình nông dân bình thường như gia đình cậu sẽ rất tự hào. Nhưng từ nhỏ cậu đã mơ ước được đi cùng khắp thế giới bao la. Rồi nhân dịp về nhà thăm cha mẹ, cậu thu hết can đảm thưa với bố rằng cậu không muốn trở thành linh mục, mà muốn được đi đây đi đó. Ông hỏi cậu một số câu hỏi, và hôm sau ông cho cậu một chiếc ví đựng ba đồng tiền vàng cổ Tây Ban Nha rồi ban phúc lành cho cậu.[1]Hành trình đời tu của chúng ta chắc hẳn cũng đã trải qua những cung bậc cảm xúc như nhân vật Santiago. Chúa gọi mỗi người theo nhiều cách thức khác nhau. Có người được nuôi dưỡng từ tấm bé, có người biết đến nhà dòng nhờ được giới thiệu; người khác có thể trải qua một biến cố nào đó…Dù theo cách nào đi nữa, khi quyết định vào nhà dòng, có lẽ hành trang mà mỗi người mang theo là niềm hy vọng và sự phấn khởi, đan xen đó là tâm trạng lo lắng, bận tâm, nuối tiếc và nhiều điều khác nữa. Nhưng rồi, cũng như nhân vật Santiago, chúng ta đã can đảm đưa ra quyết định. Để trở thành một tu sĩ trong tương lai,  ta phải sẵn sàng đón nhận những điều mà khi chọn lấy quyết định ta chưa hề nghĩ tới. Thật vậy, “quyết định chỉ là bước khởi đầu. Khi đã quyết định rồi tức là ta trôi nổi trong một dòng sông cuồn cuộn chảy; nó cuốn ta theo đến một nơi mà lúc lấy quyết định ta không hề dám nghĩ tới” .[2] Trên con đường đang và sẽ đi, ta sẽ không đoán trước được điều gì sẽ xảy ra với ta. Vì vậy, ta hãy hình thành cho bản thân nội lực tu mạnh mẽ để đương đầu với những khó khăn sẽ xảy đến. Bởi lẽ, làm sao ta có thể trèo tận đỉnh núi, nếu dưới đồng bằng ta đi chưa vững? [3]Khó khăn trên hành trình theo đuổi ước mơTrên đường du mục và tìm kho báu ở Kim Tự Tháp, cậu đã bị anh chàng A-rập lừa hết tiền. Giờ đây cậu đứng giữa chợ không một bóng người, quê nhà xa tít tắp và cậu khóc. Cậu tự nhủ mình phải kiên nhẫn vô cùng, đó chính là đức tính đầu tiên kẻ chăn cừu phải học. Sau đó, cậu làm việc ở một tiệm hàng pha lê trong sáu tháng và tiếp tục hành trình đi tìm kho báu của mình. Lần đầu tiên cậu đi trong sa mạc, rồi bị bắt và có lúc nguy hiểm đến tính mạng…Trong những lúc khó khăn như vậy, tưởng chừng như cậu đã từ bỏ ước mơ của mình. Nhân vật Santiago đã trải qua sự giằng co trong nội tâm khi gặp thử thách trên con đường đi tìm kho báu. Mọi thứ xảy đến với cậu đều mang hương vị của lần đầu tiên, và điều đó làm cho cậu thiếu niên chưa có nhiều kinh nghiệm trên đường đời cảm thấy nao núng.Sự hỗn độn trong nội tâm của Santiago có lẽ cũng là tâm trạng của mỗi người chúng ta. Là những người trẻ mới chập chững bước vào đời tu, nhiều thứ diễn ra với chúng ta mang hương vị của lần đầu tiên: môi trường mới, những người bạn và tiếp cận nhiều môn học mới…Và rồi, những khó khăn bắt đầu xuất hiện vì những khác biệt trong cách sống, lối suy nghĩ và cám dỗ từ bên ngoài. Tất cả làm cho ta cảm thấy bất an, hoang mang và hoài nghi về chính mình. Cách mà Santiago làm mới lại quyết định của mình thật đáng để mỗi chúng ta học hỏi. Cậu nhớ về lựa chọn thuở ban đầu và nhớ lại lời vị vua già nói với cậu:“Hãy luôn nhớ tới điều mà cậu muốn đạt được và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình”; [4]“khi cậu quyết tâm làm điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để cậu đạt được điều ấy”.[5] Thiết nghĩ rằng ta cũng cần phản tỉnh và động viên chính mình như vậy trên hành trình tu trì để ta vững bước tiến. Khó khăn nhiều khi lại là điều tốt vì biết đâu qua những “nốt trầm” ấy, ta có thể bản lĩnh và xác tín hơn về lựa chọn của mình !Tìm thấy “kho tàng” đời mìnhSau nửa giờ lưỡi xẻng chạm phải vật gì cứng. Một giờ sau cậu đứng trước một cái hòm đầy tiền vàng cổ Tây Ban Nha. Có cả đá quý, mặt nạ vàng đính lông trắng, đỏ và cả những pho tượng cẩn ngọc. [6]Sau những gian lao vất vả, cuối cùng Santiago đã tìm được kho tàng. Kho tàng của cậu không hẳn là những thứ thuộc về vật chất, nhưng là những trải nghiệm trên hành trình du mục, là ước mơ từ thuở bé của cậu: được đi cùng khắp thế giới bao la. Đúng là, cuộc đời rất hào phóng với người nào chịu theo đuổi vận mệnh của mình. [7] “Kho tàng” của chúng ta không phải là những thứ thuộc về vật chất, nhưng là bền đỗ trong ơn gọi tu trì. “Kho tàng” đó dù chưa hiện hình nhưng chắc hẳn ta đã cảm được phần nào đó, bởi lẽ khi ta thành tâm đi tìm kho tàng thì mỗi một ngày đều chan hòa niềm vui, vì mỗi một giờ qua đi đều sẽ đem ta gần lại kho tàng hơn. [8] Ta không mong chờ “kho tàng” của mình là một đích đến, mà là cuộc sống hiện tại; hiện tại tốt đẹp thì điều tiếp nối hiện tại cũng sẽ tốt đẹp. Có người từng nói: “anh em hãy xây cái chắc chắn trên cái bấp bênh”. Con đường tu trì tự bản chất là ân ban đến từ Thiên Chúa và người tu sĩ được mời gọi họa lại cuộc sống của Đức Giêsu qua việc tuân giữ và sống ba lời khuyên phúc âm. Tuy nhiên, với những yếu đuối trong thân phận làm người, ai dám khẳng định là mình sẽ giữ trọn và theo Chúa đến trọn đời ! “cái bấp bênh” biểu trưng cho một tương lai mà ta chưa mường tượng ra, còn “cái chắc chắn” chính là hiện tại mà ta đang có, được tu học trong Dòng. Vì vậy, thay vì đợi chờ một tương lai chưa có lời giải đáp, ta hãy sống hết mình trong giây phút hiện tại (Carpe Diem) vì “ai luôn ở trong hiện tại thì người đó hạnh phúc”[9].Tạm kếtHãy ở lại trong tình yêu của Thầy ( Ga 15, 9 )Trong xã hội mà người ta thề hứa với nhau rất nhiều, nhưng lại dễ dàng thất hứa bội thề. Trong Giáo hội, đây cũng là một vấn đề nhức nhối không kém. Theo thống kê, “trong vòng 5 năm (2008-2012), Bộ Tu sĩ đã cấp 11.805 phép miễn chuẩn lời khấn và các phép chuẩn nghĩa vụ giáo sĩ thuộc thẩm quyền bộ giáo sĩ (1.188 linh mục, 130 phó tế)” [10]. Ta không nhìn vào đó để rồi bi quan hay nhụt chí, nhưng là để phản tỉnh xem ta có đủ lòng yêu mến để “ở lại” trong tình yêu của Thiên Chúa hay không. Chúa luôn hiện diện bên ta trong những lúc ta nao núng, khi ta cảm thấy “chùn chân mỏi gối”. Vì vậy, ta hãy sống hiện tại với niềm say mê và hướng đến tương lai với niềm hy vọng. Ước mong ta luôn hạnh phúc và bền đỗ trong ơn gọi của mình.Francis Nguyen(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)[1] Nhà Giả Kim – Paulo Coelho, tr 24, nhà xuất bản Hội nhà văn, 1988[2] Nhà Giả Kim – Paulo Coelho, tr 96, nhà xuất bản Hội nhà văn,1988[3] Giáo Dục Nhân Bản – cha Nguyễn Hữu Tấn, tr 6, nhà xuất bản Tôn Giáo, 2014[4] Nhà Giả Kim – Paulo Coelho, tr 80, nhà xuất bản Hội nhà văn, 1988[5] Nhà Giả Kim – Paulo Coelho, tr 40, nhà xuất bản Hội nhà văn, 1988[6] Nhà Giả Kim – Paulo Coelho, tr 216, nhà xuất bản Hội nhà văn,1988[7] Nhà Giả Kim – Paulo Coelho, tr 217, nhà xuất bản Hội nhà văn, 1988[8] Nhà Giả Kim – Paulo Coelho, tr 80, nhà xuất bản Hội nhà văn, 1988[9] Nhà Giả Kim – Paulo Coelho, tr 80, nhà xuất bản Hội nhà văn, 1988[10] https://hddmvn.net/bai-giang-be-mac-tuan-tinh-tam-tinh-dong-tin-trung-va-ben-vung-lm-phan-tan-thanh-op/
Nhân Thần Hội Ngộ- Lm. Giuse Vũ Kim Chính, SJ
05/08/2024
Nhân Thần Hội Ngộ- Lm. Giuse Vũ Kim Chính, SJ
Cha Karl Rahner, SJ (1904-1984) được xem là một trong những thần học gia vĩ đại của Giáo hội Công giáo ở thế kỷ XX, là vì “Ngài đã làm sống động trào lưu suy tư thần học trước Công đồng Vatican II, đã đóng góp và để lại dấu ấn trong các văn kiện của chính Công đồng; đồng thời, phương pháp và tư tưởng của ngài vẫn là nền tảng cũng như là nguồn gợi hứng bất tận cho các trào lưu suy tư thần học sau công đồng mãi cho đến hiện nay” (Lm. Nguyễn Hai Tính, SJ., Lời Tựa). Quả là không ai phủ nhận tài năng và tư tưởng thần học lẫn triết học thâm sâu của Cha Rahner, bởi vì, tài năng ấy được hun đúc và nhờ được bén rễ sâu vào Đức Kitô trong Linh đạo thánh I-nhã, có cái nhìn tích cực về con người và thế giới.Cha Rahner cho thấy rằng, con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong chính mình, trong kinh nghiệm siêu nghiệm và hiện sinh của mình. Do đó, ngài đã phát triển nền thần học lấy con người làm trung tâm. Cha Rahner kinh nghiệm rằng trong mỗi hữu thể đều tồn tại một năng lực tìm kiếm Thiên Chúa. Ngài khẳng định con người là tinh thần trong thế giới, mọi người đều do Thiên Chúa tạo dựng, lại được phú ban một thứ căn bản của sự sống: tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa và nhờ đó mà được cứu độ.Tác phẩm “Nhân Thần Hội Ngộ” của Linh mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ., viết bằng Hoa ngữ, được Tu sĩ Giuse Nguyễn Phước Bảo Ân, SJ chuyển qua Việt ngữ. Cuốn sách gồm những đề tài xoay quanh những tư tưởng trọng yếu nhất của Karl Rahner. Mục đích của cuốn sách này là giúp cho độc giả hiểu rõ hơn một chủ đề lớn trong tư tưởng của Rahner là làm sao để con người và Thiên Chúa hội ngộ. Chủ đề này rõ ràng không thuộc lĩnh vực thần học thuần túy, nhưng có phần nghiêng về phạm trù nghiên cứu của tôn giáo học. Nếu quý vị muốn hiểu rõ hơn quan điểm thần học của thần học gia vĩ đại này, hãy mạnh dạn tiếp cận tư tưởng của ngài!Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này tới quý vị độc giả!Link sách: https://tusach.dongten.net/product/nhan-than-hoi-ngo/Công Trình, SJ
“THẦN HỌC BẢN VỊ HÓA & NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN” – Linh mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ
05/08/2024
“THẦN HỌC BẢN VỊ HÓA & NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN” – Linh mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ
“Bản vị hóa” hay “hội nhập văn hóa vào tâm thức Việt” là một mô hình muốn hội nhập đức tin vào nền văn hóa địa phương, như hạt lúa mì gieo vào lòng đất, tự không-hóa mình (kenose), tự gạt bỏ mình để chân nhận một nền văn hóa mới. Bản vị hóa (inculturatio) đặt nền tảng trên mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô và trong sức năng động của Thánh Thần. Chính vì thế, văn hóa mới có chiều hướng phát triển và niềm tin mới có những nét cụ thể.Tại Việt Nam, tác giả cho thấy bản vị hóa cần phải chú ý đến những tồn tại của lịch sử truyền giáo như tranh chấp lễ nghi, hay nói tổng quát hơn là vấn đề tôn kính tổ tiên. Như vậy, bản vị hóa không những chỉ nhìn theo khía cạnh của địa phương nhưng cũng cần phải đặt suy tư thần học vào hoàn cảnh mới của thế giới hiện đại với tất cả những quan tâm và thách đố hằng ngày của nó. Dưới quan điểm như thế, thần học không thể tách rời khỏi lịch sử cũng như khỏi cái nhìn của xã hội đang thay đổi thời nay. Đứng trước quan điểm Thần Học Bản Vị Hóa Việt Nam, chúng ta có lẽ cần chú trọng tới tinh thần của Công Đồng Vatican II đã mở ra cho Giáo hội hoàn vũ cách chung và những quan điểm của Giáo hội Việt Nam, nhất là vấn đề truyền giáo, sứ mạng của Dân Chúa. Tất cả những quan điểm đó như những viên gạch để xây dựng Thần Học Bản Vị Hóa.Tập sách “THẦN HỌC BẢN VỊ HÓA & NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN” của Linh mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ như một đóng góp nền tảng cho thần học tại Việt Nam. Tác phẩm này được đúc kết qua nhiều năm sống, suy tư và giảng dạy Thần học và Triết học tại môi trường Á Châu của tác giả, cụ thể là tại các nước chịu ảnh hưởng tới tư tưởng Khổng-Lão-Phật, vốn là một yếu tố lớn trong “tầng nền tâm thức người Việt”.Trong tác phẩm này, “tác giả đưa ra những đường nét nền tảng cho một định hướng căn bản cho Giáo hội Việt Nam là bản vị hóa diễn tả thần học của chân lý đức tin cho người Việt Nam ngày nay, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đây quả là một nhiệm vụ mà đối với Giáo hội Việt Nam nói chung và những những người tham gia vào việc đào tạo thần học nói riêng, là một nỗi khắc khoải và một dự án chưa được khởi đầu vì chưa biết khởi đầu như thế nào.” (Lm. Nguyễn Hai Tính, SJ)Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách này. Hy vọng những tư tưởng Thần Học Bản Vị Hóa sẽ được tiếp tục suy tư và nghiên cứu, để một ngày không xa, chúng ta sẽ có một nền thần học mang đậm nét văn hóa Việt Nam.Công Trình, SJ
Hạnh Các Thánh Dòng Tên
05/08/2024
Hạnh Các Thánh Dòng Tên
Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt tới ý nghĩa trọn vẹn người Bạn Đường Chúa Giêsu, khi các ngài cùng chia sẻ thập giá với Chúa Giêsu trong ơn gọi và sứ mạng của mình. Các ngài là những người đã nghe tiếng mời gọi của Chúa Giêsu trong Linh Thao, và đã đáp lại Ngài theo những hướng dẫn của Hiến Chương Dòng Tên trong ơn gọi Giêsu hữu.Giêsu Hữu là ai?Giêsu Hữu là tội nhân, nhưng kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và mời gọi trở nên Bạn Đường của Ngài, nên anh khao khát đáp lại Đấng đã yêu thương anh bằng một cuộc dâng hiến trọn vẹn. Anh ước ao được bước theo Chúa Giêsu, cùng lao tác với Ngài trên muôn nẻo đường sứ vụ. Anh mong mỏi chung chia sứ mạng của Chúa Giêsu, để nhờ đó, anh cũng được sẻ chia phần thưởng với Đấng mà anh hết lòng yêu mến và phụng sự.Nhân kỷ niệm 500 năm Thánh I-nhã được ơn hoán cải (1491-2021), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả hoa trái thánh thiện của Dòng Tên qua tuyển tập Hạnh Các Thánh Dòng Tên. Cuộc đời, ơn gọi và sứ mạng của các ngài được viết cách ngắn gọn, nhưng cũng khá đầy đủ. Qua tuyển tập này, độc giả có thể thấy các ngài thuộc đủ mọi thành phần trong Dòng, sống trong nhiều thời điểm và nơi chốn khác nhau. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của ơn gọi Bạn Đường Chúa Giêsu. Sức hấp dẫn ấy hệ tại ở chính con người Chúa Giêsu Kitô vác Thánh Giá mà người Giêsu Hữu muốn bước theo.Ước gì các chân dung thánh thiện, dễ mến và dễ gần của Các Thánh và Chân Phước Dòng Tên trong tuyển tập này, giúp chúng ta thêm can đảm và quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi mỗi ngày, và sẵn sàng lên đường để bước theo Chúa Giêsu xây dựng một thế giới chan chứa tình yêu.Sách hiện có trên Tủ Sách Dòng Tên (https://tusach.dongten.net/) và hệ thống Nhà Sách Đức Bà Hoà Bình. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu.Jescom 
Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”
05/08/2024
Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”
Năm 2025 là Năm Thánh của Giáo Hội. Trong các sinh hoạt của Năm Thánh, hành hương là một phần thực hành không thể thiếu. Chủ đề của Năm Thánh 2025 là “Những Người Hành Hương Hy Vọng”. Với chủ đề này, “hành hương” không chỉ là một thực hành đạo đức giữa nhiều việc thực hành khác, nhưng còn là đề tài xuyên suốt và là nguồn cảm hứng cho việc suy niệm và cầu nguyện của Giáo hội trong suốt cả Năm Thánh.Mục đích của việc hành hương là để làm sống lại niềm hy vọng và sự tươi mới trong đức tin của chúng ta giữa lòng Giáo Hội. Điều này đúng không chỉ trong thời gian Năm Thánh, nhưng trong mọi cuộc hành hương.Với nhan đề “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”, tập sách được chuẩn bị bởi linh mục Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ sẽ vừa là một người bạn đồng hành vừa là một thách thức cho những ai muốn tham gia các khóa hành hương và mong cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa của việc hành hương trong truyền thống Giáo hội.Là một người bạn đồng hành, vì chắc chắn tập sách mỏng này sẽ là một trợ giúp hữu hiệu cho những chuyến hành hương của chúng ta trọn vẹn hơn và có chiều sâu hơn. Những bài viết đơn sơ dễ hiểu sẽ cho chúng ta chất liệu để suy niệm và sống với chiều kích hành hương không chỉ dọc suốt dòng lịch sử cứu độ của dân Thiên Chúa, từ Cựu Ước đến Tân Ước, mà còn dọc suốt dòng truyền thống của Giáo Hội. Những giải thích vừa đủ. Những lời mách nước cụ thể. Những câu hỏi gợi ý suy niệm ngắn gọn… Tập sách sẽ hữu ích cho mọi chuyến hành hương, dù là trên Đất Thánh hay ở Rôma, dù là qua các thành phố của Châu Âu, hay tại các trung tâm hành hương ở Việt Nam.Là một thách thức, vì tập sách này sẽ không thích hợp với những ai muốn biến cuộc hành hương của mình thành một chuyến tham quan du lịch. Ngày nay, chữ “hành hương” rất dễ bị lạm dụng. Chỉ xách giỏ lên và đi thôi thì chưa đủ để làm nên một khóa hành hương đâu! Chỉ đến một nơi nào đó, mở cẩm nang ra để đọc một chút về lịch sử hay về giá trị văn hoá và kiến trúc, rồi sau đó là check-in, selfie, flex, rồi sau nữa là mua sắm, ăn uống… thì chưa phải là hành hương đâu! Tập sách này chỉ hữu ích với những ai có khả năng bước đi với đôi chân cầu nguyện, với đôi mắt của một kẻ đi tìm, và với trái tim khao khát của một người lữ khách.Tập sách này mời chúng ta băng qua những vui vẻ tầm thường để hướng đến những giá trị thiêng liêng và linh thánh của chuyến hành trình. Tập sách này thách chúng ta để cho mình được biến đổi sau mỗi bước chân hành hương.“Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương […]Càng tiến lên, họ càng mạnh bướcđến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on”(Tv 84,6.8)Những người “ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương” là những người được chúc phúc. Vì họ biết lên đường tìm Chúa. Vì họ biết lấy Chúa làm sức mạnh. Vì mỗi bước chân của họ sẽ là một bước đi có khả năng làm cho họ biến đổi cuộc đời. Cho họ thêm mạnh bước. Cho họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa và bao kỳ công của Thiên Chúa giữa dòng lịch sử và giữa lòng thế giới hôm nay.Những người đi hành hương đúng cách sẽ là những sứ giả của hy vọng, vì họ sẽ được sống lại niềm hy vọng và sự tươi mới của đức tin giữa lòng Giáo hội hôm nay.Hiện sách đang bán tại:Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình và các nhà sách Công Giáo (Link mua sách Online: https://ducbahoabinhbooks-osp.com/y-nghia-va-lich-su-cua-hanh-huong/)Văn phòng Hành Hương Dòng Tên: 171 Lý Chính Thắng, P. Võ Thị Sáu, Q. 3, Tp. Hồ Chí Minh. Liên hệ: Lm. Giuse Hoàng Văn Quảng, SJ:ĐT: +84-946814300Email: [email protected]
Cuốn Phúc Âm Thứ Năm" của Trần Duy Nhiên
03/08/2024
Cuốn Phúc Âm Thứ Năm" của Trần Duy Nhiên
Tác giả Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên sinh năm 1941 và qua đời năm 2009. Sinh thời, ông thường viết kịch bản để phục vụ cho một số sinh hoạt của cộng đồng dân Chúa. Trong những kịch bản ông để lại, Cuốn Phúc Âm Thứ Năm là tác phẩm đáng chú ý hơn cả.Điểm nhấn làm nên giá trị của vở kịch này khác với những gì mà khán giả thường kỳ vọng ở một vở kịch mới. Nói đến kịch là nói đến những xung đột, mâu thuẫn, những sự kiện, những tính cách, những hành động kịch tiêu biểu được tác giả chọn lựa và xây dựng kỹ càng nhằm truyền tải tư tưởng nghệ thuật đến khán giả. Điều khán giả muốn biết và chờ đợi nơi vở kịch chính là “chuyện”, một câu chuyện hoặc thống thiết bi thương hoặc hả hê sảng khoái hoặc sâu sắc lãng mạn… Tất cả sẽ được kể thông qua những nhân vật hư cấu trong những bối cảnh được dàn dựng có chủ ý và công phu. Có thể nói nhà soạn kịch phải tạo ra những “nguyên liệu” mới rồi sáng tạo, dàn dựng dựa trên những “nguyên liệu” ấy. Không phải mọi vở kịch đều được sáng tạo bởi cùng một công thức hay cùng một cách thức như nhau, nhưng tất cả những điều vừa nêu là điểm chung của thể loại kịch.Xét trên bình diện vừa nêu, trong Cuốn Phúc Âm Thứ Năm, Trần Duy Nhiên đã không sáng tạo ra “nguyên liệu” mới mà thay vào đó, tác giả sử dụng “nguyên liệu” đã có sẵn, và hơn nữa là đã quá quen thuộc với khán giả, đó là nội dung Kinh Thánh mà đặc biệt là những nhân vật trong Tân Ước và giáo lý Giáo hội Công Giáo. Khán giả hay bạn đọc của Cuốn Phúc Âm Thứ Năm chắc chắn không tìm thấy một sự bất ngờ đáng kể nào với những nhân vật Phúc Âm mà tiểu sử của họ đã là một phần trong nền tảng giáo lý và đức tin. Thế nhưng, ở đây chúng ta không thể phủ nhận được sự tìm tòi và sáng tạo của Trần Duy Nhiên, điều đã khiến cho Cuốn Phúc Âm Thứ Năm trở nên thành công và đáng chú ý hơn cả. Trần Duy Nhiên đã xây dựng thành công một diễn đàn chia sẻ và tranh luận về đức tin mà bất cứ ai có mặt khi vở kịch đang diễn ra đều là nhân vật chính. Bất cứ ai và mỗi một người dù đang ở vai trò diễn viên hay khán giả khi thực sự hòa nhập vào vở kịch sẽ nhận ra rằng kịch không còn là kịch, sân khấu chính là cuộc đời và diễn viên không phải diễn mà phải sống.Để đánh giá về thành công và nhìn ra sự khác biệt của Cuốn Phúc Âm Thứ Năm, điều cần thiết là phải nhìn tác phẩm ở một khoảng cách đủ xa để thấy những phát kiến mang tính sáng tạo của Trần Duy Nhiên. Vở kịch được xây dựng với hình thức là một buổi chia sẻ về đời sống đức tin của một cộng đoàn Ki-tô hữu. Mở màn, người ký giả lên tiếng chia sẻ về một nguyện vọng khá điên rồ của anh ta, anh ta muốn tự viết cuốn Phúc Âm thứ năm bởi bốn cuốn Phúc Âm của Tân Ước đã quá lỗi thời. “Tôi nghĩ đã đến lúc phải có một người trình bày về Đức Giêsu Kitô cho thời đại này, đã đến lúc phải có một cuốn Phúc-âm thứ năm. Và nếu không có ai viết, thì tôi, tôi sẽ tự viết lấy.” Lời tâm sự của nhân vật ký giả vừa toát lên sự chân thành vừa bộc lộ sự bức bối lẫn ngông cuồng. Thoạt tiên, ai cũng sẽ cho rằng anh ta ngông cuồng bởi ngót nghét hai nghìn năm trôi qua chưa từng có thêm cuốn Phúc Âm nào và người đọc Kinh Thánh vẫn luôn được thuyết phục rằng cuốn sách này đã dừng ở đây, mãi mãi không dày thêm nữa. Nhưng thật không may, sự ngông cuồng của anh ký giả lại cũng chính là sự ngông cuồng mà mỗi chúng ta âm thầm cưu mang trong sâu thẳm con người mình. Kinh Thánh đã cũ, những dụ ngôn và bối cảnh xã hội không còn gần gũi với con người hôm nay, chúng ta có cần một Phúc Âm mới không? Và có muốn chính tay mình sẽ viết lấy?Xuyên suốt Cuốn Phúc Âm Thứ Năm, Trần Duy Nhiên đã cho thấy rằng ông đã dành nhiều thời gian để chiêm nghiệm, suy tư và thực sự tinh tế trong việc tạo ra những xung đột tâm lý và tư tưởng của các nhân vật trong vở kịch này. Chính sự sâu sắc và am tường tâm lý chung của xã hội, Trần Duy Nhiên đã từng bước xây dựng được một diễn đàn không chỉ ở trên sân khấu mà còn mở rộng với mọi cuộc đời. Ông đã biến “nhược” thành “ưu”, biến cái bất lợi thành điểm mạnh của Cuốn Phúc Âm Thứ Năm. Lời Chúa và các nhân vật Phúc Âm không có gì mới mẻ với khán giả, thậm chí nếu không khéo léo tạo ra các xung đột, vở kịch của ông chỉ là những hoạt cảnh nghèo nàn và nhàm chán. Sự đầu tư trí tuệ của Trần Duy Nhiên thể hiện rõ ràng nhất thông qua những màn đối thoại tư tưởng gay gắt, ráo riết, triệt để khiến Cuốn Phúc Âm Thứ Năm không phải là hoạt cảnh đọc Lời Chúa mà cao hơn thế, đó là một vở kịch với đầy đủ đặc trưng hấp dẫn của thể loại sân khấu này. Cuốn Phúc Âm Thứ Năm không kể cho khán giả một câu chuyện ly kỳ nào như khán giả thường mong đợi, thay vào đó nó bày ra những bi kịch và xung đột trong tư tưởng của con người nói chung giữa hai bờ đúng - sai, thiện - ác, giữa yêu thương và phản bội, tin tưởng và chối bỏ… Những xung đột này có thể tồn tại ngay trong chính một người và thậm chí ở cùng một thời điểm. Điều đáng nói nhất ở đây là những cuộc đấu tranh tư tưởng âm thầm này không dành riêng cho những nhân vật trong vở kịch hay là những nhân vật của Phúc Âm mà dành cho mọi người, mỗi một con người có trí khôn có óc phán xét đang tồn tại trên mặt đất này. Đây là lý do khiến vở kịch không còn là hư cấu và sân khấu đã trở thành cuộc đời, khán giả bằng cách này hay cách khác đều tham gia vào diễn đàn mở này. Người đọc Phúc Âm thật khó có thể phủ nhận việc họ đã tự mình đưa ra lời nhận xét về các nhân vật Phúc Âm, có lẽ ai cũng từng mong muốn có một Chúa Giêsu như mình thích, mình kỳ vọng hay nghĩ rằng mình sẽ làm gì nếu bản thân là Giuđa, Gioan, Phêrô… Diễn đàn Trần Duy Nhiên xây dựng trong vở kịch này chỉ là dịp để mỗi người được sống phần tâm tư sâu kín trong tâm hồn. Như tác giả đã khéo léo bày tỏ tư tưởng của mình trong tác phẩm, rằng mỗi một chúng ta đều âm thầm cưu mang một Giuđa, một Maria Mácđala, một Phêrô chối Chúa…, lời mời gọi của người ký giả trong vở kịch chỉ là dịp để mỗi người được sống lại phần sâu kín của tâm hồn nhưng với nhiều sự sẻ chia hơn, nhiều góc nhìn và nhiều trải nghiệm hơn để từ đó, cũng như người ký giả, mỗi khán giả cũng tìm ra hướng đi cho cuộc đời mình.