Xin lỗi Gen Z, đây là lý do tại sao cách ứng xử trên bàn ăn rất quan trọng
Một trong những điều được nhắc đi nhắc lại khi ta lớn lên đó là tầm quan trọng của việc ăn uống đúng cách. Từ việc sử dụng muỗng nĩa cho đến việc không được đặt khuỷu tay lên bàn. Tuổi thơ chúng ta thường được nghe lặp đi lặp lại những lời hướng dẫn đó.
Tuy nhiên, theo thời gian, những ưu tiên và các thói quen đã thay đổi – đây là điều bình thường nếu bạn nhìn vào cách người ta ăn uống ở mấy thế kỷ trước. Kênh Fox5 đã tường thuật lại việc tập đoàn nhà hàng Ý Prezzo thực hiện một cuộc khảo sát và cho thấy những người được sinh trong khoảng từ năm 1997 đến 2012 cảm thấy như thế nào về cách ứng xử trên bàn ăn[1].
Những phát hiện
Điều thú vị là có đến 77% các bạn Gen Z cảm thấy đặt khuỷu tay trên bàn ăn không còn là vấn đề nữa. Còn về việc đồ dùng muỗng nĩa, chỉ có 40% tin rằng việc cầm dao và nĩa đúng cách là quan trọng.
Một số cách ứng xử sai lạc khác trên bàn ăn cũng được đề cập, chẳng hạn như liệu có nên đợi những người khác trước khi bắt đầu ăn hay dùng thử từ dĩa của người khác hay không, 38% người được khảo sát cảm thấy những cách ứng xử thông thường này là không cần thiết.
Trên thực tế, không phải chỉ quan niệm của Gen Z mới gây chút sốc như thế. Rõ ràng có đến 38% tất cả những người được hỏi đều cảm thấy cách cư xử trên bàn ăn không thực sự quan trọng trong cuộc sống.
Tuy vậy, điều thú vị là gần một nửa những người tham gia cuộc khảo sát khẳng định rằng họ sẽ không hẹn hò với những người có cách cư xử tệ trên bàn ăn.
Những người được hỏi cũng thấy không thoải mái lắm với những người sử dụng điện thoại trên bàn ăn – phải thừa nhận rằng đây là điều mà các bậc cha mẹ thuộc thế hệ trước không phải đối mặt!
Tầm quan trọng của cách ứng xử trên bàn ăn
Trong khi ngày nay các hộ gia đình tiêu thụ thức ăn làm sẵn (chỉ cần hâm nóng lại) hoặc đặt đồ ăn nhiều hơn, điều quan trọng là phải hiểu hành vi lịch sự trên bàn ăn đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc giáo dục bất kỳ đứa trẻ nào. Dưới đây là một số lý do “rất Công giáo”:
Cách cư xử trên bàn ăn thể hiện lòng biết ơn một cách rõ ràng vì thức ăn và tình thân được ban cho. Trong một xã hội mà dường như thức ăn dư giả, điều quan trọng là con cái chúng ta phải biết ý thức về những gì chúng nhận được. Bằng cách dùng bữa một cách lịch thiệp, chúng ta tôn vinh ân sủng dồi dào của Chúa và chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn về những gì chúng ta có được, đặc biệt là khi còn quá nhiều người thiếu thốn.
Dùng bữa cách đúng đắn sẽ nuôi dưỡng cảm thức tương thân tương ái và tính cộng đồng, phản ánh sự hiệp nhất trong thân thể Chúa Kitô. Qua việc trò chuyện và hành vi tôn trọng, chúng ta củng cố mối quan hệ với người khác và tạo ra bầu khí thân thiện của việc thuộc về nhau.
Việc thực hành cách cư xử đúng đắn trên bàn ăn thể hiện sự tôn trọng với những người đồng bàn, nhìn nhận phẩm giá của họ xét như là những người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Bằng cách quan tâm đến sự thoải mái và vui vẻ của họ, chúng ta đề cao giá trị Kitô giáo trong việc đối xử với người khác theo cách chúng ta muốn được đối xử. (Và hãy nhớ rằng, rất nhiều người được khảo sát cảm thấy khó chịu vì cách cư xử thiếu đúng đắn trên bàn ăn).
Cách cư xử của chúng ta trên bàn ăn là bằng chứng cho các đức tính khiêm tốn, tự chủ và tiết độ mà đức tin Công giáo dạy. Bằng cách biết tự kiềm chế và tránh thái quá, chúng ta nêu gương về các nguyên tắc đạo đức hướng dẫn cuộc sống người môn đệ của Chúa.
Cách cư xử trên bàn ăn đóng vai trò truyền tải các giá trị và truyền thống gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bằng cách truyền lại các tiêu chuẩn về cách ứng xử và dùng bữa với nhau trong sự tôn trọng và tình yêu mến, các gia đình củng cố mối tương quan giữa các thành viên và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ bén rễ trong tình yêu.
Trong truyền thống Công giáo, hành vi dùng bữa chung có tính biểu tượng sâu sắc vì nó gợi nhớ lại Bữa Tiệc Ly và việc cử hành Thánh Lễ. Khi vào bàn ăn với lòng tôn kính, chúng ta ghi nhận tính thánh thiêng của bữa ăn và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta, cả về mặt tinh thần lẫn biểu tượng.
Tác giả: Cerith Gardiner
Người dịch: Anh Quân