Giới thiệu sách LÀM SAO THA THỨ? GIẢI PHÁP CHỮA LÀNH CHO KHỔ NẠN LẠM DỤNG TÌNH DỤC

Khuyến Đọc
Giới thiệu sách LÀM SAO THA THỨ? GIẢI PHÁP CHỮA LÀNH CHO KHỔ NẠN LẠM DỤNG TÌNH DỤC
Ngày Đăng 10/10/2024

Có thể bạn cũng đồng ý với tôi rằng: nói “yêu thương” và “tha thứ” thì rất dễ nhưng sống thì không dễ chút nào! Người ta có thể nói yêu nhau, nhưng để sống và làm chứng cho tình yêu ấy lại là chuyện khác. Đôi khi ta nói tha thứ, nhưng chắc gì trong lòng ta đã thứ tha! Thật vậy, yêu thương và tha thứ không phải là những khái niệm, mà là thái độ sống và hành động. 

Tác phẩm “Làm Sao Tha Thứ? giải pháp chữa lành cho khổ nạn lạm dụng tình dục” của Cha Jean MonBourquette, OMI và Cha Micae-Phaolo Trần Minh Huy, PSS, trình bày cách chân thành về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục vốn rất phức tạp; và tiến trình chữa lành, tha thứ cũng nhiêu khê không kém. Thực tế cho thấy: Dẫu có những kết quả khác nhau trong việc điều tra và phán quyết, phần thiệt thòi nhất vẫn là những nạn nhân; nếu nạn nhân là trẻ em hoặc người dễ bị tổn thương, thì những hậu quả và thiệt thòi không gì có thể bù đắp được. Dù một số phiên tòa đã minh bạch: đền bù và hình phạt, nhưng đó chỉ là bề mặt của cuộc khủng hoảng. Còn sâu xa hơn là cuộc vật lộn với chính lương tâm của mình- cả thủ phạm lẫn nạn nhân, vì vết thương sâu thẳm không bao giờ lành lặn! Thế nên, chỉ còn một cách có thể chữa lành vết thương ấy- đó là tha thứ. Vấn đề là: Làm sao tha thứ?

Truyền thống đức tin Kitô giáo cho chúng ta biết, chỉ khi nào người ta có tình yêu thật lớn, một tình yêu vượt lên trên mọi toan tính, mọi định lượng như tình yêu của Đức Giêsu Kitô, thì người ta mới có thể tha thứ được. Có thể nói, tha thứ và yêu thương đan kết với nhau như hai biên độ của quả lắc đồng hồ, đó là lắc về bên này để tạo “đà sống” hướng về bên kia. Người ta chỉ có thể tha thứ thật khi lắc về bên Chúa vốn là nguồn mạch của tình yêu thương xót, để rồi lắc về bên tha nhân vốn đang đợi chờ lòng xót thương. Nói khác đi, nếu muốn tha thứ thật sự, người ta phải thực sự có kinh nghiệm sâu về lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Nhờ đó, người ta mới có đủ sức mạnh để tha thứ cho người khác. Như thế, người ta không thể tha thứ nếu không có tình yêu! 

Sách được bố cục thành hai phần rõ rệt. Phần thứ nhất trình bày về thực trạng đáng buồn của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục kéo dài gần một thế kỷ vừa qua trong Giáo Hội. Phần hai là một loạt những đề nghị mang tính giải pháp thực hành trong tiến trình chữa lành và tha thứ. 

Ước mong tác phẩm này như một “cẩm nang” chỉ dẫn cho những người có trách nhiệm và liên đới trong công cuộc “chữa lành” cho cuộc khủng hoảng này. Bởi lẽ, tác phẩm này “không chỉ như những ý niệm trừu tượng, nhưng như những kinh nghiệm sống, với sự hiểu biết uyên thâm, với thao thức mục vụ và với tình yêu sâu xa của các tác giả với Giáo Hội và các phần tử cụ thể của Giáo Hội” (trích Lời Giới Thiệu Sách của ĐGM Đinh Đức Đạo).

Sách do Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình phát hành, hiện được bán tại các Nhà sách Công giáo trên toàn quốc. 

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Công Trình